Ngày đăng bài: 15/05/2016
Lượt xem: 4802
Tác giả: admin
Hiện nay ở làng nghề Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) còn khoảng gần 50 gia đình chuyên kinh doanh vàng quỳ. Những thỏi vàng thật 24k hoặc bạc trắng được các nghệ nhân ở đây đập dập cho dài và mỏng sau đó cắt thành những hình vuông nhỏ chừng 1cm2 rồi đặt vào lá quỳ.
Để đảm bảo độ chính xác cao, người dân làng Kiêu Kỵ thường sử dụng một chiếc cân nhỏ để cân trọng lượng của vàng. Trong đó, mỗi một quỳ gồm 490 lá, được tán mỏng từ khoảng nửa chỉ vàng 24k
Các miếng vàng phải đảm bảo chính xác về kích thước. Sau đó sẽ được các nghệ nhân đặt vào lá quỳ và tiếp tục đập cho mỏng.
Mỗi một quỳ sẽ được các nghệ nhân dùng vải dường bâu Nam Định gói lại, đặt lên đe bằng đá, dùng búa chuyên dụng đập lên tập lá quỳ để đảm bảo các lá vàng được tán mỏng, đều và không bị rách.
Một người thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích hơn 1m2. Để hoàn thành một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng 1 giờ liên tục. Tính ra phải đập trên 4000 nhát búa cho một quỳ vàng.
Trung bình mỗi ngày một người thợ phải đập khoảng 8 tiếng để hoàn thiện từ 6-7 gói quỳ. Trong ảnh là bàn tay chai sạn của một thợ quỳ làng Kiêu Kỵ.
Những gói quỳ thành phẩm được buộc lại cẩn thận có giá bán vào khoảng 1 triệu 600 nghìn đồng, tương đương với giá trị của nửa chỉ vàng trên thị trường.
Các sản phẩm này sẽ được các nghệ nhân dát mỏng lên các bức tượng, câu đối, đồ vật mạ vàng hoặc bán cho các họa sỹ, thợ điêu khắc… có nhu cầu.
Một sản phẩm được mạ vàng được làm bởi bàn tay của những người nghệ nhân làng Kiêu Kỵ.
Cho đến nay, Kiêu Kỵ vẫn là làng duy nhất trong cả nước làm nghề này. Hầu hết các làng làm nghề tạc tượng, khắc hoành phi, câu đối, hoặc làm hàng sơn mài… đều là những bạn hàng của làng Kiêu Kỵ.
Hà Trang
Ảnh: Trần Văn
Ngày đăng bài: 15/05/2016
Lượt xem: 4803
Tác giả: admin